Những lưu ý cơ bản khi chọn mua Mainboard???
29-04-2021 1062
Có thể nói mainboard là cột sống của chiếc máy tính, bởi lẽ toàn bộ các linh kiện đều phải giao tiếp với nhau thông qua mainboard, hơn nữa mainboard cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng nâng cấp/ mở rộng về lâu dài của một chiếc máy tính. Tuy nhiên, việc mua Mainboard hợp lý không phải là một điều dễ dàng, bởi vì có quá nhiều sự lựa chọn ở các phân khúc khác nhau, khiến cho người mua rất dễ đưa ra quyết định sai lầm.
Trong bài viết này, Phong Vũ sẽ chỉ ra những điểm cần lưu ý cơ bản khi lựa chọn mua Mainboard, giúp bạn đưa ra được quyết định 1 cách chính xác và dễ dàng.
1. Socket
Đầu tiên bạn sẽ phải xác định xem mình muốn mua CPU của Intel hay AMD để lựa chọn mua mainboard có socket phù hợp. Ở thời điểm hiện tại thì các CPU phổ biến của Intel đang sử dụng socket LGA 1151-v2 và LGA 2066.
Đối với AMD thì 2 socket phổ biến sẽ là PGA AM4 và LGA TR4.
Socket LGA TR4 của AMD.
Việc lựa chọn chính xác loại socket hỗ trợ cho CPU mà bạn muốn mua là rất quan trọng, chọn sai socket với CPU sẽ khiến cho mainboard không nhận diện được CPU, thậm chí là gây ra các hư hại đáng tiếc về phần cứng. Để biết được socket của mainboard có tương thích với CPU hay không, bạn nên tham khảo kĩ thông tin từ các nhà sản xuất CPU là Intel, AMD và các nhà sản xuất mainboard như ASUS, ASRock, GIGABYTE, EVGA, MSI, hoặc tham khảo các kĩ thuật viên để có được thông tin chính xác nhất nhé.
2. Chi phí
Tiếp đến sẽ là đương nhiên sẽ là việc bạn muốn chi bao nhiêu tiền vào mua mainboard, tuy nhiên việc này là 1 điều không hề đơn giản. Quá mắc sẽ làm bạn phải cắt giảm chi phí của các linh kiện khác, quá rẻ thì khả năng nâng cấp sẽ bị giới hạn đi đáng kể.
Đầu tiên bạn sẽ phải dựa vào nhu cầu sử dụng của mình, bạn có nhu cầu chơi các tựa game cấu hình cao ko, có ép xung ko, có sử dụng để chạy máy ảo, render, biên tập video không hay bạn đơn giản chỉ có nhu cầu giải trí nhẹ nhàng.
Nếu như chỉ sử dụng đơn giản với giải trí nhẹ nhàng thì bất kì mainboard nào sử dụng chipset A320 (AMD) hay H310 (Intel) đều sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của bạn. Trong khi đó, nếu bạn là 1 game thủ gạo cội, luôn muốn trải nghiệm những tựa game đình đám nhất thì những dòng mainboard sử dụng chipset B350, B450 (AMD) hoặc B360, B365, H370 (Intel) là đã quá đủ cho nhu cầu chơi game của bạn trong khi vẫn đảm bảo khả năng hỗ trợ phần cứng về lâu dài.
Các mainboard sử dụng chipset Intel B360, B365 đang rất hot ở phân khúc tầm trung
Còn nếu bạn là một người yêu công nghệ, luôn muốn được trải nghiệm công nghệ mới và đặc biệt yêu thích ép xung thì mua Mainboard sử dụng chipset X370, X470 (AMD) và Z370, Z390 (Intel) chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Trường hợp bạn là một người làm việc chuyên nghiệp với các ứng dụng chạy máy ảo, render, biên tập video thì những mainboard sử dụng chipset X399 (AMD) và X299 (Intel) là lựa chọn phù hợp nhất với khả năng hỗ trợ những CPU có khả năng xử lý mạnh mẽ.
Chipset AMD X470 mang lại rất nhiều cải thiện so với thế hệ đàn anh là X370 (ảnh: eteknix).
3. Khả năng hỗ trợ
Khả năng hỗ trợ của mainboard là khá quan trọng, nhưng cũng đừng vì thế mà chọn mua 1 chiếc mainboard cao cấp chuyên dụng cho ép xung và có số lượng lớn các cổng cắm (SATA, PCI) trong khi bạn chỉ sử dụng để chơi game. Hay nếu như chỉ vì cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, bạn vô tình chọn mua mainboard có khả năng hỗ trợ rất ít để rồi sau 1 thời gian sử dụng mới phát hiện ra rằng bạn không thể gắn thêm M.2 SSD hay card mở rộng.
Khả năng hỗ trợ lớn chỉ hữu ích khi được tận dụng triệt để
Tóm lại, để trả lời cho vấn đề này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn cân đối nhu cầu sử dụng của mình như thế nào, dự định gắn thêm linh kiện trong tương lai ra sao.
4. Kích thước
Dù bạn có sử dụng platform của AMD, Intel hay bất kì hãng nào đi nữa thì cũng sẽ chỉ có 4 loại kích thước mainboard phổ biến trên thị trường hiện nay là mini-ITX, micro-ATX, ATX và E-ATX. Việc chọn kích thước để mua mainboard náo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hỗ trợ của case máy tính và số lượng thiết bị mà bạn cần sử dụng.
Đối với đa số người sử dụng sẽ lựa chọn 2 loại kích thước micro-ATX và ATX do khả năng hỗ trợ gắn thêm linh kiện rất tốt đồng thời vẫn giữ được kích thước phù hợp và tương thích với hầu hết các case máy tính hiện nay.
Trong khi đó, mini-ITX và E-ATX chỉ phù hợp với một số người dùng nhất định. Mini-ITX thường sẽ chỉ phù hợp với các bộ máy nhỏ gọn, đánh đổi lại khả năng mở rộng rất hạn chế, trong khi E-ATX lại hướng tới những người sử dụng cao cấp và đa phần người sử dụng bình thường gần như không thể sử dụng hết khả năng mở rộng của những chiếc mainboard này.
Không phải ai cũng tận dụng hết khả năng của mainboard E-ATX (ảnh: anandtech).
5. Ép xung
Lựa chọn mua mainboard để ép xung là 1 việc mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cữu kĩ lưỡng bởi vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hỗ trợ ép xung của 1 chiếc mainboard. Bạn sẽ phải chú ý đến bộ cấp nguồn, tản nhiệt, BIOS và rất nhiều thứ nhỏ nhặt khác đòi hỏi bạn phải là 1 người am hiểu về kĩ thuật cũng như tham khảo thông tin từ rất nhiều nguồn review.
Ép xung luôn là một chặng đường dài đòi hỏi ở bạn rất nhiều kiến thức về phần cứng (ảnh: wccftech).
Tuy nhiên, tin vui là với kiến trúc CPU và thiết kế mainboard ngày càng được cải thiện, điều này chỉ còn đúng với những người sử dụng yêu thích ép xung và các dòng CPU cao cấp, đối với người sử dụng bình thường thì hầu hết những dòng mainboard tầm trung đều hỗ trợ ép xung cơ bản cực kì đơn giản và dễ dàng sử dụng. Cho nên trừ khi bạn là người thích đẩy phần cứng của mình tới mức giới hạn thì một chiếc mainboard tầm trung sử dụng chip set B450 hay B360 là đã đủ để đáp ứng nhu cầu ép xung rồi.
Hầu hết các mainboard tầm trung hiện nay đều hỗ trợ tính năng ép xung cơ bản (ảnh: anandtech).
6. Kết nối mạng
Đối với kết nối mạng, có một vài điểm mà bạn cần nên lưu ý như sau. Thứ nhất nếu bạn là gamer try hard, thì việc chọn mua mainboard sử dụng bộ xử lý mạng tích hợp Killer của Rivet như E2200, E2500 hoặc I219V, I211AT của Intel là một điều rất đáng để cân nhắc. Mặc dù đối với việc sử dụng bình thường thì sự khác biệt là không đáng kể, nhưng đối với yêu cầu try hard ngày càng cao của gamer thì chỉ cần chậm hơn vài ms thôi cũng đã đủ để tạo nên sự khác biệt rồi.
Intel I219V là bộ xử lý mạng thường thấy ở các mainboard chơi game và cao cấp (ảnh: clockemup).
Ngoài ra, nếu bạn hay sử dụng kết nối không dây thì 1 chiếc mainboard tích hợp sẵn bộ kết nối WiFi và Bluetooth cũng là 1 điều nên để ý tới. Hoặc trong trường hợp bạn cần kết nối mạng có băng thông lớn, 1 chiếc mainboard với bộ xử lý mạng 10Gb/s là 1 lựa chọn cực kì hợp lý
7. Kết nối ngoại vi
Mặc dù phần lớn các dòng mainboard hiện nay đều được trang bị cổng giao tiếp USB tốc độ cao như USB 3.0, 3.1. Nhưng nếu bạn là một người có nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị ngoại vi 1 lúc, đặc biệt là đối với các thiết bị ngoại vi yêu cầu tốc độ kết nối cao hoặc xuất hình ảnh với chất lượng cao cho công việc, thì việc lựa chọn 1 chiếc mainboard có tích hợp kết nối USB Type C, thậm chí là kết nối Thunderbolt 3 cũng là 1 lựa chọn cần được ưu tiên đặc biệt.
Thunderbolt 3 hỗ trợ việc xuất hình ảnh chất lượng cao thông qua mainboard (ảnh: thestreamingblog).
8. Âm thanh
Về âm thanh, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu sử dụng của bạn, nếu bạn là một người đam mê âm thanh thì chắc chắn bộ xử lý âm thanh tích hợp sẽ không thể nào đáp ứng được tôi tai của bạn, còn nếu bạn chỉ có nhu cầu nghe nhạc, chơi game, giải trí thông thường thì hầu hết các bộ xử lý âm thanh trên các mainboard hiện nay như ALC1220, S1220 cho đến ALC887, ALC892 đều đủ sức để đem lại cho bạn trải nghiệm âm thanh khá tốt.
Lo lắng về chất lượng âm thanh trên mainboard đã là câu chuyện của quá khứ (ảnh: tweakpc).
Đến đây, chắc hẳn sẽ có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng “việc lựa chọn mainboard sao mà rối rắm thế”, nhưng sự thật thì việc lựa chọn 1 chiếc mainboard ưng ý từ trước tới nay chưa bao giờ là 1 việc dễ dàng, ngay cả với những người chơi công nghệ sành sỏi nhất. Một điều cực kì quan trong mà bạn luôn luôn phải nhớ khi lựa chọn mainboard là “không hề có một chiếc mainboard nào hoàn hảo cả”, bạn sẽ phải dựa vào mức độ ưu tiên của mình cho nhu cầu sử dụng nào nhiều hơn và từ đấy đưa ra quyết định cho chính mình. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn lựa chọn mua mainboard đúng như ý muốn.